Nội dung bài viếtơ>
Tìm hiểu độ phân giải camera bao nhiêu MP là đẹp? Thuật ngữ camera 5MP, 20MP 50MP, v.v. có ý nghĩa gì? MP ảnh hưởng ra sao đến chất lượng của hình ảnh, độ nét, độ chân thực của hình ảnh?
Chúng ta thường được nghe rằng camera có số “chấm” (MP) càng cao thì chất lượng hình ảnh, video quay được càng đẹp? Nhưng thực sự thì MP có phải là yếu tố quyết định tất cả tới chất lượng hình ảnh? Hãy cùng xem giải đáp chi tiết dưới đây!
Độ phân giải camera Megapixel là gì?
Độ phân giải camera là một thông số biểu thị số lượng điểm ảnh (pixel) mà camera có khả năng ghi lại được trong một khu vực xác định. Đơn vị đo của độ phân giải camera được gọi là megapixel (viết tắt là MP). Trong đó “mega” nghĩa là “triệu”, “pixel” nghĩa là “điểm ảnh”.
1 megapixel = 1.000.000 pixel. Đây chính là công thức quy đổi độ phân giải camera duy nhất.
Ví dụ:
- Camera 5MP (5 megapixel) là loại camera có thể chụp được bức ảnh có chứa 5 triệu điểm ảnh (pixel).
- Camera 50MP (50 megapixel) là loại camera có thể chụp được bức ảnh có chứa 50 triệu điểm ảnh (pixel).
Đến đây chắc mỗi chúng ta hẳn sẽ thắc mắc: Vậy thì điểm ảnh ở đây là gì?
- Điểm ảnh, pixel hay pixel raster, là một khối màu nhỏ thể hiện đơn vị nhỏ nhất của một hình ảnh, mỗi pixel chỉ có một màu duy nhất.
- Pixel chính là viết tắt của Picture Element.
- Tập hợp hàng triệu pixel có màu khác nhau và cường độ màu khác nhau được sắp xếp theo một trật tự xác định giúp tạo nên một bức ảnh hoàn chỉnh.
Độ phân giải camera ảnh hưởng đến dung lượng lưu trữ của tệp ảnh. Bức ảnh chứa nhiều điểm ảnh hơn có nghĩa là nó chứa nhiều thông tin hơn, do đó mất nhiều dung lượng bộ nhớ để lưu trữ nó hơn. Đây chính là nhược điểm của camera có độ phân giải cao.
Số MP là một thông số đo lường số lượng và thường có ít ảnh hưởng đến chất lượng của hình ảnh như nhiều người lầm tưởng. Bên cạnh số MP của camera, còn có rất nhiều yếu tố khác có vai trò quan trọng với chất lượng ảnh chụp như: Thấu kính camera, số lượng camera, thuật toán xử lý hình ảnh, chế độ chụp ảnh, điều kiện ánh sáng, kích thước cảm biến của camera, công nghệ ổn định hình ảnh, v.v.
Hãy cùng Chiêm Tài Mobile tìm hiểu chi tiết về các yếu tố này ở bên dưới nhé!
Độ phân giải camera được tính như thế nào?
Để tính độ phân giải của camera, chúng ta có thể thực hiện một trong số những cách khá đơn giản như sau:
Cách 1:
Lấy số pixel chiều rộng và số pixel chiều cao của khung hình (frame) của camera nhân với nhau ta sẽ có độ phân giải của camera.
Công thức:
(Số pixel chiều rộng khung hình) x (số pixel chiều cao khung hình) = (Độ phân giải của camera)
Ví dụ: Camera của bạn có chiều rộng khung hình là 8000 pixel, chiều cao khung hình là 6200 pixel thì độ phân giải của camera điện thoại của bạn là 8000 x 6200 = 49,6 megapixel, xấp xỉ 50MP.
Cách 2:
Nếu không biết số pixel của chiều rộng và chiều cao khung hình camera mà chỉ biết tỷ lệ khung hình, ví dụ 4:3, 16:9, v.v. thì chúng ta có thể áp dụng công thức sau:
Căn bậc hai của (Số điểm ảnh x Tỷ lệ khung hình) = Độ phân giải camera Megapixel (MP)
Khá đơn giản phải không nào!
Tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem đâu là những thông số quan trọng ảnh hưởng quyết định đến chất lượng bức ảnh chụp bởi camera.
Những yếu tố quyết định đến chất lượng ảnh chụp bởi camera
Một bức ảnh đẹp cần có sự kết hợp của rất nhiều yếu tố khác nhau trên chiếc camera, sau đây là những yếu tố quyết định:
Kích thước của cảm biến hình ảnh
Cảm biến lớn hơn chắc chắn sẽ cho chất lượng hình ảnh vượt trội hơn cảm biến nhỏ. Đối với người dùng, một chiếc camera có loại cảm biến hình ảnh tốt sẽ chụp thiếu sáng tốt hơn, những bức ảnh có ít nhiễu hạt hơn, màu sắc chân thực hơn, dải nhạy sáng DR tốt hơn, độ sắc nét của hình ảnh cao hơn.
Thuật toán xử lý hình ảnh
Thuật toán xử lý hình ảnh được tạo ra để xử lý những phần việc mà phần cứng của camera không thể làm được như chế độ chụp chân dung, chế độ chụp đêm, chế độ HDR. Thuật toán xử lý của nhiếp ảnh điện toán giúp cho người chụp ảnh đơn giản hóa các trang bị và kỹ năng phức tạp được đòi hỏi ở một người thợ chụp ảnh chuyên nghiệp như: đèn hắt sáng, độ tương phản, tùy chỉnh cân bằng trắng, thời gian màn trập, màu sắc, v.v.
Với những chiếc điện thoại nhiều camera, bạn chỉ việc bấm nút chụp một lần, còn thuật toán xử lý sẽ tự động chụp nhiều bức ảnh khác nhau trong cùng một khung nhìn rồi ghép tất cả lại với nhau, bổ sung những điểm thiếu sót trong từng bức ảnh, tạo ra một bức ảnh duy nhất có chất lượng tốt hơn rất nhiều so với các bức ảnh gốc.
Cấu tạo ống kính/thấu kính
Một bộ ống kính của camera bao gồm nhiều cụm thấu kính khác nhau, được thiết kế với mục đích tập trung ánh sáng một cách chính xác vào bề mặt cảm biến và giảm quang sai hết mức có thể. Chính vì vậy, ống kính chính là một trong những thành phần quan trọng bậc nhất trong một chiếc camera.
Để đảm bảo cho chất lượng hình ảnh chụp được tốt nhất, một bộ ống kính cần có thiết kế tốt, chất liệu sản xuất thấu kính chất lượng cao, số lớp phủ (coating) nhiều, độ trong suốt hoàn hảo và sạch sẽ.
Số lượng camera
Số lượng camera trên thiết bị giúp bù lại khuyết điểm của cảm biến hình ảnh nhỏ hay thấu kính kém tiên tiến.
Ngày nay, số lượng camera trên thiết bị đã hầu như không còn chỉ một mà có đến 2,3, 4, thậm chí một bộ 5 camera. Mỗi camera có thể xử lý một tác vụ cụ thể theo ý muốn của người dùng.
Và như đã nói ở trên, việc có nhiều camera sẽ hỗ trợ cho thuật toán xử lý hình ảnh cho ra những bức ảnh chất lượng cao hơn.
Công nghệ xử lý ổn định hình ảnh
Đây là công nghệ giúp giảm rung động trong khi chụp ảnh hoặc quay phim khi đang di chuyển, giúp cho ra những bức ảnh hoặc video có độ sắc nét cao hơn, hình ảnh mượt hơn, không bị nhòe hình.
Hiện tại, trên các dòng điện thoại thông minh chụp ảnh đẹp có hai loại công nghệ ổn định hình ảnh:
- Công nghệ ổn định hình ảnh quang học (OIS), hoạt động tốt hơn khi chụp ảnh.
- Công nghệ ổn định hình ảnh điện tử (EIS), hoạt động tốt hơn khi quay video.
Các dòng điện thoại có thể được trang bị một trong hai loại công nghệ trên, hoặc cả hai loại, hoặc cũng có thể không được trang bị công nghệ ổn định hình ảnh nào.
Tốt nhất chúng ta nên lựa chọn một chiếc smart phone có cả hai công nghệ OIS và EIS, nhưng nếu phải lựa chọn, hãy ưu tiên chọn điện thoại có sở hữu OIS.
Ảnh hưởng của độ phân giải camera lên ảnh chụp
Độ phân giải MP của camera có ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đến độ chi tiết của hình ảnh. Camera có số MP cao giúp chụp được những bức ảnh có kích thước lớn và chi tiết, vì vậy có thể dễ dàng chỉnh sửa, cắt ghép, phóng to, in ảnh, xem các bức ảnh đó trên màn hình lớn mà không làm cho ảnh bị vỡ, mờ, nhòe và bị mất đi các chi tiết nhỏ.
Tuy nhiên, có phải độ phân giải càng cao thì chụp ảnh càng đẹp? Không hẳn. Nếu chỉ có độ phân giải cao mà các yếu tố khác bên trên lại kém thì cũng không thể cho ra các bức ảnh có độ sắc nét cao, độ sâu trường ảnh tốt và chân thực được.
Camera bao nhiêu MP là đẹp?
Qua những nội dung bên trên, chúng ta có thể dễ dàng trả lời cho câu hỏi “camera bao nhiêu MP là đẹp?”.
Có thể thấy rằng, nếu chụp ảnh chỉ để xem trên điện thoại hoặc máy tính thì độ phân giải camera không phải là cái cần phải quá quan tâm. Cái thứ gọi là camera “chấm” cao chỉ là thứ để hù dọa người tiêu dùng mà thôi, chúng ta cần quan tâm hơn đến công nghệ xử lý hình ảnh, số camera, cảm biến hình ảnh, chất liệu thấu kính,...
Nếu camera có độ phân giải cao nhưng cảm biến nhỏ, ống kính bị mờ, thuật toán xử lý hình ảnh kém, chế độ chụp không đúng hoặc thiếu ánh sáng thì các bức ảnh thu được cũng có thể bị mờ, nhiễu hạt, độ nét kém, ảnh tối không nhìn thấy vật thể.
Ngược lại, nếu các yếu tố khác tốt thì với chiếc camera có MP thấp vẫn có thể cho ra những bức ảnh đẹp, chất lượng cao, độ sâu trường ảnh tốt và sắc nét.
Do đó, không phải cứ camera có độ phân giải MP càng cao thì chụp ảnh càng đẹp, mà độ phân giải cao của camera còn có thể có một số nhược điểm:
- Tệp ảnh lưu trữ nặng, tốn dung lượng bộ nhớ và khó chia sẻ qua internet.
- Các loại camera có MP cao thường đắt tiền và trong quá trình hoạt động sẽ gây tốn pin hơn.
- Ở điều kiện ánh sáng yếu và ISO cao thì các camera có độ phân giải cao thường dễ bị nhiễu hơn.
Vậy câu trả lời cuối cùng cho câu hỏi camera bao nhiêu MP là đẹp? Không thể trả lời chính xác cho câu hỏi này. Phụ thuộc vào nhu cầu và mục đích khi chụp ảnh, quay video mà chúng ta sẽ chọn camera có độ phân giải MP khác nhau và phải cân nhắc tới các yếu tố quan trọng khác như đã đề cập bên trên. Nếu muốn chụp ảnh để in ấn, xem trên màn hình rộng thì camera nên có độ phân giải từ 12MP trở lên. Nếu chỉ cần xem ảnh trên điện thoại hoặc laptop, chúng ta có thể chọn các dòng điện thoại có camera từ 8MP trở xuống. Hãy nhớ xem xét đến các yếu tố cảm biến, ống kính, thuật toán xử lý hình ảnh, v.v. để chụp được những bức ảnh ưng ý nhất.