(GenK.vn) - Không sở hữu cấu hình khủng cùng hiệu năng vượt trội, Oppo R1 mang tới cho người dùng một thiết kế đẹp, camera "nịnh mắt" cùng khả năng xử lý tốt các nhu cầu sử dụng cơ bản.
- Nokia, HTC cho tới Oppo đều thẳng tay "ném đá" Galaxy S5
- OPPO ra văn bản chính thức xin lỗi khách hàng, vấn đề được hòa giải
- Smartphone cao cấp OPPO Find 7 có thể tháo rời pin
- Oppo Find 7 có tới 2 tùy chọn độ phân giải màn hình
- Soi khả năng chụp ảnh của Lumia 1520 và Oppo N1
Oppo không còn là cái tên xa lạ với người dùng công nghệ Việt Nam, đây là một thương hiệu nổi tiếng với những thiết bị nghe nhạc đắt đỏ đã khẳng định chất lượng trên thị trường. Tuy nhiên kể từ khi quyết định đầu tư thêm mảng smartphone, là người đi sau nên Oppo gặp không ít khó khăn bởi vấn đề thương hiệu.
Nếu thường xuyên theo dõi tin tức, chắn hẳn người dùng sẽ choáng ngợp bởi số lượng smartphone mà thương hiệu này ra mắt. Đây là một chiến lược khôn ngoan của Oppo, họ liên tục tung ra sản phẩm mới với những thế mạnh khác nhau, từ thiết kế, cấu hình cho tới hiệu năng và giải trí. Mỗi smartphone tập trung phát triển một chức năng cụ thể, sau đó dựa vào phản hồi người dùng, Oppo sẽ biết khách hàng của mình cần gì.
Thiết kế chung
Nếu bạn không thể sáng tạo được tốt hơn, hãy làm theo những thứ mà người khác đã tạo ra trước đó. Điều này hoàn toàn đúng với Oppo R1. Tôi có thể khẳng định thiết kế của chiếc smartphone này không hề sáng tạo, nhưng nó là sản phẩm hội tụ đủ tinh hoa thiết kế của các ông lớn trên thị trường. Toàn bộ những người từng cầm trên tay chiếc R1 mà tôi biết đều không ngớt lời khen nghệ thiết kế của smartphone này.
Mặt sau của máy thiết kế cho cảm giác như một viên ngọc trong suốt, toàn bộ được phủ một màu trắng, điểm nhấn duy nhất là logo Oppo giữa máy cùng camera và đèn flash. Tuy cùng sử dụng kính cường lực cho mặt sau nhưng thiết kế của R1 có một điểm khác so với Xperia Z và iPhone 4, đó chính là phần camera ở góc trái.
Trên Oppo R1, camera hoàn toàn được bao phủ bởi lớp kính đồng nhất, tạo cảm giác liền mạch. Thiết kế này hạn chế gần như hoàn toàn khả năng bụi bẩn có thể lọt vào trong nhưng lại khiến người dùng dở khóc dở cười nếu chẳng may phần kính ở camera này bị xước.
Phần viền máy mang tới cho người dùng cảm giác giống với chiếc iPhone của Apple. Sử dụng viền kim loại chắc chắn bao bọc xung quanh máy tương tự khung viền của iPhone 4. Không chỉ vậy, khung viền này còn được vát cạnh tạo cảm giác mềm mại nhưng không kém phần chắc chắn như trên chiếc iPhone 5. Máy có khung viền màu vàng sâm panh, tôi đã nghi ngờ về độ bền của khung viền này vì chiếc iPhone 5/5s thường bị người dùng phàn nàn rằng chúng quá dễ xước. Nhưng sau một thời gian sử dụng, có thể nói viền kim loại của Oppo tốt hơn, khó bị xước bởi những tác nhân thông thường như quệt nhẹ, để trong túi đồ,…
Với thiết kế hai mặt kính cùng khung viền kim loại, Oppo đã giải quyết vấn đề thu/phát sóng điện thoại bằng những đường nối màu trắng trên phần khung giống với iPhone. Ngoài ra ở khung máy được bố trí jack cắm tai nghe chuẩn 3,5mm và micro chống ồn ở cạnh trên, cạnh dưới gồm cổng kết nối microUSB, micro thoại và 3 lỗ nhỏ cho loa ngoài. Cạnh trái bố trí nút nguồn, khe cắm sim và cạnh phải với hai nút tăng/giảm âm lượng. Cá nhân tôi cho rằng thiết kế 3 lỗ nhỏ liền nhau ở Oppo R1 làm mất cảm giác liền mạch và khá vô duyên, đây là điểm trừ trên thiết kế của máy.
Chất lượng hoàn thiện của Oppo R1 rất tốt, máy cầm cho cảm giác chắc chắn, từng chi tiết nhỏ đều được làm tỉ mỉ. Thậm chí bạn sẽ không thấy bất kỳ con ốc nào xuất hiện ở vỏ ngoài máy, trong khi đó đàn anh của R1 là iPhone 4/4s đều bố trí 2 ốc vít ở cạnh đáy. Tuy nhiên thiết kế này của R1 gây không ít khó khăn khi máy gặp lỗi phần cứng cần tháo ra để sửa chữa.
Mặt trước và màn hình
Cả hai mặt kính trước và sau của Oppo R1 đều được phủ 3 lớp: chống phản chiếu, tăng độ trong suốt và chống vân tay. Điều này kết hợp cùng màn hình độ sáng cao giúp cho R1 sử dụng tốt dưới trời nắng, đồng thời máy không bị bám vân tay. Thực tế sử dụng tôi rất hài lòng với khả năng chống vân, máy luôn sáng bóng sau một thời gian dài dùng liên tục.
Phía trên màn hình được bố trí loa thoại, camera, cảm biến cùng một đèn led sáng khi có thông báo. Phía dưới là 3 phím bấm cảm ứng quen thuộc trên những chiếc smartphone Oppo khác.
Oppo R1 sở hữu màn hình kích thước 5 inch, tấm nền IPS, màn hình độ phân giải HD 720p. Đây là màn hình cảm ứng siêu nhạy, có khả năng chống xước tốt và sử dụng được khi người dùng đeo găng tay. Trong quá trình sử dụng, nhiều lần tôi đã vô tình thực hiện thao tác cảm ứng mà không hay biết, đặc biệt là thao tác kích hoạt đèn flash (cài đặt trong máy). Để khắc phục vấn đề này, Oppo đã trang bị kèm chức năng hạn chế cảm ứng nhầm, sử dụng cảm biến tiệm cận để xác định thiết bị đang để trong túi hay được người dùng sử dụng.
Camera
Trước khi trải nghiệm camera thực tế của Oppo R1, tôi sẽ nói về câu chuyện thành công của ứng dụng Camera 360. Chắc hẳn đây không còn là cái tên xa lạ với người dùng smartphone, nó được cài đặt ở gần như 100% điện thoại của các bạn gái. Vậy tại sao Camera 360 lại đạt thành công khi trên thị trường có vô vàn ứng dụng chỉnh sửa đẹp hơn rất nhiều?
Bất cứ ai cũng đều muốn mình có những bức hình đẹp, đặc biệt khi bức hình đó được chia sẻ cho mọi người và trên các mạng xã hội. Vấn đề được quan tâm nhất đó là làn da trắng mịn. Hiểu được vấn đề trên, Camera 360 tập trung phát triển bộ lọc giúp làm tăng độ trắng da và giúp ảnh mịn hơn so với thực tế. Để chọn chế độ trên, người dùng chỉ cần tùy chỉnh đơn giản, không yêu cầu trình độ xử lý ảnh hoặc các bước thực hiện phức tạp. Ứng dụng này không có nhiều bộ lọc đẹp, không hỗ trợ chỉnh sửa nhiều thông số ảnh chụp, họ chỉ tập trung phát triển tốt cái người dùng phổ thông thực sự cần. Trong khi Afterlight hay Snapsheet cung cấp nhiều công cụ chỉnh sửa chuyên nghiệp khiến người dùng choáng ngợp thì Camera 360 chỉ tập trung giải quyết tốt duy nhật 1 vấn đề người dùng cần, chính điều đó đã giúp Camera 360 đạt được thành công.
Quay lại với chiếc Oppo R1, triết lý phát triển sản phẩm trên lại tiếp tục được áp dụng. Máy sở hữu camera trước và sau lần lượt với độ phân giảm 5 và 8 “chấm” cùng công nghệ xử lý hình ảnh được Oppo đặt tên "Pure Image”. Không thể tùy chỉnh nhiều thông số chụp, không có nhiều công nghệ tiên tiến như trên những chiếc Nokia Lumia đình đám, nhưng Oppo R1 vẫn khiến người dùng bị “quyến rũ” bởi khả năng chụp thiếu sáng tuyệt vời trên cả camera trước và sau.
Tôi nhấn mạnh lại vấn đề chụp ảnh thiếu sáng trên camera trước, phục vụ cho nhu cầu tự chụp hình của người dùng. Với mức sử dụng cơ bản, người dùng phổ thông, họ không cần tới một chiếc máy có thể chụp ngang với những chiếc DSLR thực thụ, cái họ cần chỉ là bức hình chụp cơ bản đẹp, có thể chia sẻ. Ngoài chức năng chụp thiếu sáng tốt, R1 cũng mang tới khả năng chụp hình với chế độ “Beauty Plus” giúp người chụp có thể “lừa tình” một cách đơn giản. Giống với Camera 360, Oppo R1 giải quyết tốt vấn đề trên, nó dễ dàng lấy lòng bất cứ cô gái nào sau khi họ chụp thử một tấm hình từ máy.
Nếu xét ở góc độ người dùng khó tính và đam mê nhiếp ảnh, camera của Oppo R1 chỉ xếp ở mức khá. Tuy camera tích hợp hệ thống 5 thấu kính (5P Lens), bộ lọc thủy tinh màu xanh, khẩu độ F/2.0 cùng cảm quang IMX179, cảm biến 1/3.2 inch hỗ trợ lấy nét nhanh, tốc độ chụp tốt cùng khả năng chụp thiếu sáng hoàn hảo nhưng hình chụp từ máy không thực sự tốt hơn các đối thủ cùng phân khúc.
- Ảnh chụp từ Oppo R1, ảnh gốc tải về tại đây.
Ảnh chụp từ Oppo R1 có thiên hướng ngả vàng, khi chụp ngoài trời ảnh cho màu sắc sáng nhưng không thật. Điểm cứu vớt của camera Oppo R1 có lẽ là khả năng chụp rõ chi tiết ảnh (khi so sánh cùng ảnh chụp với iPhone 5 của Apple).
Video quay bằng Oppo R1.
Cấu hình và hiệu năng
Oppo R1 được trang bị bộ vi xử lý MediaTek MT6582 lõi tứ tốc độ 1.3GHz, RAM 1GB và bộ nhớ trong 16GB, hỗ trợ 2 sim và không có khe cắm thẻ nhớ. Với cấu hình như trên bạn có thể yên tâm sử dụng máy cho nhu cầu cơ bản, đặc biệt khả năng dùng song song 2 sim hoạt động 3G tiện dụng.
Máy chạy trên nền hệ điều hành Color OS tùy biến dựa trên Android Jelly Bean 4.2.2 với nhiều thao tác cử chỉ tích hợp tiện lợi như nhấn 2 lần vào màn hình để bật sáng, vuốt chữ "V" để kích hoạt đèn pin, viết chữ “O” để kích hoạt camera. Bên cạnh đó Oppo cũng mang tới nhiều phần mềm tiện ích như quản lý dung lượng dữ liệu (3G), chương trình tiết kiệm pin, chỉnh sửa ảnh,...
Đạt 17.227 điểm benchmark với AnTuTu X, xếp trên Google Nexus 4 và dưới Galaxy S3. Thử nghiệm thực tế khi chơi game Asphalt 8 máy đáp ứng tốt các thao tác, hình ảnh mượt mà. Tuy nhiên khi thử chơi N.O.V.A. 3 máy đã gặp tình trạng giật, lag, khó điều khiển nhân vật. Điều này có thể do máy chỉ được trang bị 1GB RAM, với tôi con số này thấp vì các thiết bị android ở thời điểm hiện tại để mang tới trải nghiệm tốt nên trang bị từ 1,5GB RAM trở lên.
Chơi thử N.O.V.A.3 trên Oppo R1.
Được trang bị pin dung lượng pin 2.410 mAh và hỗ trợ 2 sim cùng sử dụng song song 3G, Oppo R1 chỉ đáp ứng được 1 ngày làm việc cơ bản của tôi với các nhu cầu như lướt web, check facebook, instagram, email thường xuyên; chơi game khoảng 1 tiếng; xem phim 1 tiếng. Thử nghiệm khi xem video trên YouTube thông qua Wi-Fi, độ sáng màn hình 50% và bật loa ngoài trong 15 phút, pin tiêu hao 6%.
Tạm kết
Oppo R1 là chiếc smartphone hội tụ những tinh hoa thiết kế của smartphone hiện nay. Với ý kiến cá nhân tôi, nó là chiếc điện thoại đẹp nhất mà Oppo từng thiết kế và là một trong số ít smartphone android đẹp trên thị trường bên cạnh Sony Xperia Z và HTC One. Với định hướng phân khúc tầm trung, đây là chiếc smartphone không nổi bật về cấu hình cũng như hiệu năng, nó có thể đáp ứng được người dùng phổ thông, còn đối với người dùng thích chơi game nặng, thường xuyên sử dụng hết công suất smartphone thì Oppo R1 khó có thể đáp ứng được nhu cầu.
Không “nhồi nhét” phần cứng, Oppo chọn hướng đi đánh vào giới trẻ và đặc biệt là các bạn gái khi mang tới cho R1 thiết kế sang trọng và thời trang cùng camera có thể khiến “vịt hóa thiên nga”. Mức giá 8.9 triệu đồng có đáng để bạn lựa chọn hay không phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng thực tế của bạn.
Xu hướng tìm kiếm: phu kien dien thoai, phụ kiện điện thoại, sửa điện thoại, sửa chữa điện thoại