Nội dung bài viếtơ>
(GenK.vn) - Những bài kiểm tra benchmark cho thấy card đồ họa rời không chỉ giúp tăng hiệu năng khi chơi game nặng, mà còn mang lại lợi ích cho nhiều ứng dụng khác.
- AMD chính thức giới thiệu Radeon R9 295X2: Card đồ họa 2 GPU với giá 1500 USD
- Đánh giá Sapphire R7 265 Dual-X: Đoàn quân đỏ trỗi dậy
- Đánh giá Zotac GTX 750 Ti: Cuộc soán ngôi ngoạn mục
- Nâng cấp thành phần gì tăng hiệu năng cao nhất cho máy tính?
- Nvidia lên kế hoạch khai tử thế hệ card đồ họa DirectX 10
Không thể phủ nhận rằng trong những năm gần đây, 2 nhà sản xuất chip máy tính Intel và AMD đã có những cải tiến rất nhiều cho công nghệ đồ họa tích hợp trên chip xử lý của họ. Với các thế hệ chip xử lý như Haswell và Kaveri, có thể nói cả 2 nhà sản xuất đều nỗ lực để tăng cường sức mạnh chip đồ họa tích hợp, giúp chúng có thể “sánh ngang” với card đồ họa rời.
Với người dùng, đặc biệt là người dùng phổ thông, họ cũng thường quan niệm rằng các tác vụ thông thường của mình như lướt web, chơi game nhẹ, làm công việc văn phòng...cũng chỉ cần tới đồ họa tích hợp trên chip. Card đồ họa rời thường được xem chỉ dành cho các game thủ, hay những người cần sử dụng các ứng dụng liên quan tới đồ họa nặng. Tuy nhiên, những kiểm nghiệm thực tế của trang PCWorld dưới đây cho thấy, card đồ họa rời không chỉ mang lại lợi ích đối với game, mà ngay cả những ứng dụng văn phòng, game casual...cũng tận dụng được các lợi ích mà nó mang lại.
Cấu hình thử nghiệm
Để xác định sự khác biệt mà card đồ họa rời mang lại, ở đây chúng ta sẽ sử dụng tới 2 chiếc máy tính. Trong số này, 1 chiếc dùng chip AMD A8-7800 Kaveri với chip đồ họa tích hợp Radeon R7-series, còn máy kia dùng chip Intel Core i7-4670 Haswell có đồ họa tích hợp Intel HD 4600. Cấu hình chip AMD sẽ sử dụng bo mạch chủ Asus A88X-Pro; còn cấu hình chip Intel Core i5-4670 với bo mạch chủ Gigabyte Z87X-UD5 TH. Cả 2 máy được trang bị RAM 16 GB, ổ SSD Samsung 840 Pro, nguồn Silverstone công suất 1000W. 2 máy được cài HĐH Windows 8.1 Pro x64 phiên bản 64-bit.
Sau đó chúng ta sẽ chạy 1 loạt benchmark, trong đó có các benchmark cho các cấu hình chỉ có chip đồ họa tích hợp trên, và các benchmark với cấu hình trên nhưng thêm card đồ họa rời. Sản phẩm được chọn sử dụng trong bài test sẽ là chiếc card Radeon R9 280X do XFX sản xuất.
Những con số
Như bạn có thể thấy ở bảng so sánh trên, việc bổ sung card đồ họa rời giúp tăng hiệu năng cho nhiều loại ứng dụng khác nhau, không chỉ với game. Trong bài test PCMark 8 phiên bản Home suite (bài test hiệu năng của tác vụ mà người dùng thông thường hay dùng tới) và Work suite (bài test hiệu năng của tác vụ mà người dùng văn phòng hay dùng tới), điểm hiệu năng PCMark 8 tăng từ 3 tới 19%.
Sử dụng card đồ họa rời không chỉ mang lại lợi ích cho game mà còn cho nhiều ứng dụng khác.
Ở công cụ benchmark Cinebench OpenGL, card đồ họa rời giúp cho hệ thống dùng chip Intel tăng thêm 79% hiệu năng, trong khi với cấu hình AMD, hiệu năng tăng thêm 42%.
Người dùng phổ thông thường cho rằng các game casual như Farmville, Angry Birds, hay các game đơn giản khác, thường không tận dụng được sức mạnh của card đồ họa rời, tuy nhiên thử nghiệm cho thấy nhận định này là hoàn toàn sai lầm. Ở bài test Fishbowl, 1 trình benchmark hiệu năng HTML5, Radeon R9 280X giúp hiệu năng tăng từ 1,5 đến 2 lần. Tuy nhiên, duy có 1 dạng ứng dụng gần như không có sự khác biệt về hiệu năng khi sử dụng card đồ họa rời, đó là phát video.
Tạm kết
Tất nhiên, "không có bữa trưa nào miễn phí", và việc bổ sung card đồ họa rời - trong nhiều trường hợp - cũng gặp phải không ít vướng mắc. Việc nâng cấp card đồ họa có thể sẽ không đem lại lợi ích gì nếu như hệ thống của bạn gặp phải tình trạng nghẽn cổ chai (chip xử lý kém hoặc không đủ bộ nhớ), tăng tiền điện, hay đơn giản là bạn phải nâng cấp cả nguồn máy tính lẫn thay bo mạch chủ để tương thích với card đó. Tất nhiên cũng không thể không kể tới việc bạn sẽ phải bỏ ra một khoản tiền kha khá cho việc mua card, trong khi GPU tích hợp trên CPU luôn được Intel và AMD cho không.
Điều mà chúng ta rút ra ở đây chính là việc những lợi ích mà card đồ họa mang lại có đáng với những thứ mà bạn phải "hy sinh" hay không. Nếu không, bạn có thể tìm tới các giải pháp nâng cấp khác để tối ưu cho nhu cầu sử dụng của mình.
Tham khảo: PCWorld